Monday, December 7, 2009

Ngụy trang

Kí ức đó đã được dọn dẹp, phơi phóng, rồi xếp vào ngăn, gọn gàng và sạch sẽ. Một kí ức đã được cài password. Nếu thi thoảng có lỡ mở nó ra thì ở đó luôn bốc lên một cái mùi cũ kỹ dễ chịu. Cứ đinh ninh rằng cất kỹ nó vào một góc là ổn, nhưng quái quỷ thật.....ta cứ vô tình đá trúng cái hộp kí ức đó vào những hôm tâm trạng cực kỳ tồi tệ.
Một chai bia và một cốc trà Lipton, giống và khác nhau ở điểm nào?
Nếu mà biết được câu trả lời thì mọi sự bây giờ chắc đỡ tệ hơn...

Saturday, December 5, 2009

Ừ thì "kiêu dân"!

Tiểu dẫnMột người gửi link rồi hỏi "có ý kiến gì về cách hiểu "kiêu dân" của bác Đông A". Đáng nhẽ phải "còm" bên blog bác Đông A thì mới đúng tinh thần dân chủ, nhưng xét thấy người đọc bên đó là một cộng đồng nhộn nhạo, mọi ý kiến ra vào không khéo lại bị bẻ quẹo bẻ xiên, mà dưới đây chỉ đơn thuần là một lời trao đổi lại mang tính kiến thức thông thường. Khi sang đây, mục đích của em là muốn chia sẻ với những người [thân nhưng không yêu: D] về những gì mà em "trót đã biết" và "thích được biết", vì thế thiết tưởng không nên vì một cái comment không đúng chỗ mà phải chuốc lấy phiền hà vào người cho nó chán.
Thứ nhất, với trình độ chỉ chuyên dùng từ điển Hán Việt Thiều Chửu và Đào Duy Anh tôi xin dịch lại mục "kiêu dân" nằm trong quyển 6, cuốn Vũ Lâm cựu sự của Chu Mật. (Dịch đầy đủ mục đó mới có thể xác định được "kiêu dân" là gì) 
"Đô dân tố kiêu, phi duy phong tục sở trí, cái sinh trưởng liễn hạ, thế sử chi nhiên. Nhược trú ốc tắc động quyên công tư phòng nhẫm, hoặc chung tuế bất tằng nhất hoàn. Chư vụ thuế tức, diệc đa quyên phóng, hữu liên niên bất thu nhất khổng giả, giai triều đình tự hành bão nhận. Chư hạng khoa danh, ân thưởng tắc hữu "hoàng bảng tiền", tuyết giáng tắc hữu "tuyết hàn tiền", cửu vũ cửu tình tắc hựu hữu chẩn tuất tiền mễ. Đại gia phú thất tắc hựu tùy thời hữu sở tư cấp, đại quan bái mệnh tắc hữu sở vị "thướng tiết" tiền. Bệnh giả tắc hữu thi dược cục, đồng ấu bất năng tự dục giả tắc hữu từ ấu cục, bần nhi vô ỷ giả tắc hữu dưỡng tế viện, tử nhi vô liễm giả tắc hữu Lậu trạch viên. Dân sinh hà kỳ hạnh dư?"
[Dân đô thị vốn kiêu ngạo, không phải vì phong tục xui nên, có lẽ vì sống ở chốn kinh sư, tư thế khiến họ thành ra như vậy. Như chuyện nhà ở, thường được miễn trừ hết tiền thuế "công tư phòng", có khi trọn một năm không từng phải trả một "hoàn" thuế nhà nào. Các khoản thuế lợi tức phần lớn bỏ qua, có khi mấy năm liền không thu một nguồn nào, đều là triều đình tự mình bằng lòng đảm trách. Các hạng mục điều khoản, ân thưởng thì có tiền "hoàng bảng"[1], tuyết xuống thì có tiền "hàn tuyết", mưa lụt hạn hán thì có gạo tiền chẩn cấp. Nhà đại gia phú hộ thì tùy thời tư cấp có chỗ, những đại quan vâng mệnh triều đình thì có tiền "thướng tiết". Người bệnh thì có cục cấp thuốc, trẻ nhỏ không tự nuôi nấng được bản thần thì đã có cục từ ấu, nghèo khốn không nơi nương dựa thì đã có viện dưỡng tế, chết không người liệm xác thì đã có Lậu Trạch viên[2]. Đời sống của dân còn hạnh phúc nào hơn thế ư?]
Đoạn dịch trên và cách hiểu sau đây của bác Đông A, rõ ràng là có một sự khác biệt tương đối lớn. Bác Đông A cho rằng:
["Đô dân tố kiêu, phi duy phong tục sở trí, cái sinh trưởng liễn hạ, thế sử chi nhiên", có nghĩa là dân ở kinh đô vốn thường kiêu, không chỉ do phong tục, mà còn do ở dưới chân thiên tử nên có cái mạnh về thế lực sai khiến. Chu Mật còn đưa ra ví dụ như thuế hàng năm chẳng thu được xu nào, triều đình cũng đành bằng lòng. Khái niệm "kiêu dân" trong Vũ lâm cựu sự như vậy là chỉ nhóm người ở kinh đô, được ưu ái của triều đình mà tạo thành thế kiêu, bất chấp luật pháp cho mọi người. ]
Thứ nhất, "thế sử chi nhiên" mà bác dịch thành "có cái mạnh về thế lực sai khiến" là sai hoàn toàn, cả về ngữ pháp lẫn nghĩa. 
Thứ hai, theo những gì mà tôi hiểu thì toàn bộ những ví dụ được liệt kê ra trong đoạn viết trên cho thấy: kiêu dân ( của Chu Mật) không phải là nhóm người ở kinh đô, được triều đình ưu ái mà bất chấp pháp luật. Bác Đông A khẳng định thế thì thực là  oan uổng cho "kiêu dân" đời Tống. Ở đoạn trên không có chuyện bất chấp pháp luật, chống đối, không chịu nộp thuế, o ép đến nỗi triều đình cũng phải chịu bằng lòng. Việc miễn thuế là vì kinh tế phát triển, triều đình không cần phải huy động đến tiền thuế của dân, đây là việc làm tự triều đình cho phép hẳn hoi, vua ban chiếu lệnh đàng hoàng. Ý Chu Mật rất rõ ràng: đơn giản kiêu dân là dân thời thái bình, được hưởng nhiều ưu đãi do triều đình đem lại: như được hưởng chế độ miễn thuế "công tư phòng", được hưởng những điều kiện cứu tế và phúc lợi công cộng, vì thế họ cái tư thế kiêu ngạo của con dân trong một nước ở giai đoạn thịnh trị.
Trên đây chỉ là vài lời trao đổi lại với bác Đông A về cách hiểu khái niệm "kiêu dân"của Chu Mật. Còn việc bác dùng khái niệm "kiêu dân" theo ý bác trong một tình huống khác là việc của bác, tôi no comment. 
Phần kết: Chữ "kiêu dân" quả thực rất hiếm tìm thấy trong sử liệu phong kiến Trung Quốc. Có lẽ do kiến văn hạn hẹp và sách vở tồi tàn (còn mắc thêm bệnh lười biếng) nên sau một hồi ngó nghiêng thì tôi chỉ tìm thấy trong Trung Quốc toàn sử¸ phần viết về lịch sử Tống Liêu Kim, có một đoạn như sau: [Tây Hồ phồn thịnh lục kí tải, tiết thanh minh, công tử vương tôn, phú thất kiêu dân, đạp thanh du thưởng thành Tây]. Chữ "kiêu dân" ở đây có nhẽ chỉ có nghĩa là "đại gia thành thị"? 
Theo tôi, không nên đánh đồng khái niệm "kiêu dân" với "kiêu binh".
Tạ tiên sinh cũng dùng chữ "kiêu dân" trong tác phẩm của mình. Cũng có chút thắc mắc về cách dùng này, có lẽ phải nhờ "ai đó" biên thư hỏi giùm cái nhỉ? :)) :))
Cập nhật
Sau khi có sự trao đổi với bác Đông A, và xem lại những chú thích trong bản Học uyển xuất bản xã mà bác Đông A đã cung cấp tư liệu [chân thành cảm ơn bác], tôi xin đưa ra một bản dịch tinh xác hơn về mục "Kiêu dân" của Chu Mật. Tuy nhiên tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình về quan niệm kiêu dân của Chu Mật mà tôi đã khẳng định ở trên.
[Dân đô thị vốn kiêu ngạo, không chỉ do phong tục xui nên, vì sống ở chốn kinh sư, tư thế khiến họ thành ra như vậy. Như chuyện nhà ở, thường được giảm trừ tiền thuế "công tư phòng", có khi trọn một năm không từng phải trả một "hoàn" nào. Các khoản thuế lợi tức miễn trừ phần lớn, có khi mấy năm liền không thu một nguồn nào[3], đều là triều đình tự mình bằng lòng đảm trách. Các hạng mục điều khoản, ân thưởng thì có tiền "hoàng bảng", tuyết xuống thì có tiền "hàn tuyết", mưa lụt hạn hán thì có gạo tiền chẩn cấp. Bậc đại gia phú hộ thì tùy thời mà có [hành động] tài trợ, đại quan thăng chức thì lại có chỗ cho tiền "thương tiết"[4]. Người bệnh thì có cục cấp thuốc, trẻ nhỏ không người nuôi nấng thì đã có cục từ ấu, nghèo khốn không nơi nương dựa thì đã có viện dưỡng tế, chết không người liệm xác thì đã có Lậu Trạch viên. Đời sống của dân còn hạnh phúc nào hơn thế ư?']



[1] Hoàng bảng: là cáo văn của hoàng đế . Cũng chỉ bảng văn mà triều đình ban ra sau kỳ thi Điện. Vì dùng loại giấy vàng để viết nên có tên là "hoàng bảng". Tiền hoàng bảng: khi hoàng đế ra chiếu lệnh mới thì ân thưởng tiền cho dân chúng. 
[2] Lậu Trạch viên: mộ chung do nhà quan đặt ra. Vì chiến loạn nên những thân thể tử vong vô thừa nhận hoặc gia cảnh bần hàn không có đất chôn thân, được quan lại chôn chung vào một chỗ, nơi đó gọi là Lậu Trạch Viên. Chế độ Lậu Trạch Viên này bắt đầu từ đời nhà Tống, nhưng cũng có người cho là đã có từ thời Đông Hán.
[3] Riêng những từ chỉ đơn vị tiền tệ như "hoàn" và "nhất khổng" tôi vẫn "bảo lưu" chờ tra thêm các tài liệu khác.
[4] Theo Bùi Hiệu Duy: khi mệnh quan triều đình nhậm chức hoặc được cất nhắc thì bố thí cho dân chúng để biểu thị khánh chúc. Nhưng vì không phải là vào ngày lễ tiết mà lại khánh chúc, cho nên tiền [dùng bố thí cho dân] gọi là tiền "thương tiết" (tiền đoạt tiết)