Saturday, August 22, 2009

Cao Bá Quát- một "hành nhân" cô độc của văn học Việt Nam thế kỷ XIX

Trong văn học phương Tây, hình ảnh những người cô độc lữ thứ tha hương luôn gắn liền với hình ảnh của một triết gia. Đó là những người chủ động lựa chọn sự “dịch chuyển” như một phương thức tồn tại. Ngược lại, trong văn học phương Đông, một “hành nhân cô độc” luôn gắn liền với hình ảnh về một kẻ bị lưu đày, có nhà mà không thể quay về, là những người trong tư thế “dịch chuyển” một cách thụ động.
Cao Bá Quát cũng là một người “bị lưu đày”, nhưng chính ông đã chủ động lựa chọn sự “dịch chuyển”, chấp nhận làm một hành nhân cô độc trên con đường đời gập ghềnh đầy sóng gió của mình.
Dường như số phận phải làm khách tha hương phiêu bạt đã được báo trước ngay từ khi Cao Bá Quát vừa bước chân vào nghiệp học. Theo những giai thoại chép trong Cao Bá Quát thi tập tựa (ký hiệu A.210), khi Cao Bá Quát lên tám có tìm đến thầy thụ học, đúng lúc ra đề “Tử tại Tề văn thiều” (Khổng Tử tại nước Tề nghe nhạc Thiều), thầy bảo ông viết một bài phú. Ông vẫy bút làm ngay một bài trong đó có câu kết rằng: “Ôi, bèo nước tương phùng, Khổng Tử là khách tha hương. Quan san khó vượt, Khổng Tử ngài thành người lạc đường (trái thời). Cho nên ngài ở Tề nghe nhạc Thiều.”. Những câu viết ra từ ngòi bút của một đứa trẻ chưa trưởng thành như ngầm một điềm báo về chính cuộc đời ông sau này.
Không khó để nhận thấy thơ Cao Bá Quát luôn đau đáu về một con đường, một phương hướng, một cái đích để vươn tới. Điều này được ông nhắc đi nhắc lại thông qua những từ liên quan đến “lộ” như : “trường lộ” (đường dài thăm thẳm), “uý lộ” (con đường đáng sợ), “lộ nan” (con đường khó khăn), “công danh nhất lộ” (đường công danh), “thế lộ” (đường đời), “đắc lộ” (đường thành công), “lộ cùng” (đường cùng), “lộ tận” (tuyệt đường), “trần lộ du du” (đường trần dằng dặc), “thản lộ” (đường bằng phẳng), “kế lộ” (con đường nối nhau). Hình ảnh con đường cũng hiện lên thông qua cụm từ khác như : “danh đồ” (đường công danh), “tráng đồ” (đường phát triển), “trường đồ” (đường dài), “bằng đồ” (con đường bằng phẳng),…
Ngay từ lúc chưa ra làm quan bản thân Cao Bá Quát cũng đã tự đặt ra những câu hỏi giẳng xé về con đường mà mình đang đi. Ông biết rõ người để chí vào “danh lợi” thì cả đời sẽ “bôn tẩu lộ đồ trung” (vất vả trên đường). Không phải ông không biết “thản lộ mang mang úy lộ đa” (Đường phẳng thì mờ mịt đường ghê sợ thì nhiều”. Ông tự băn khoăn: “Thiếu niên tật tẩu chung hà sự? Úy lộ man man trước lữ hoài?” (Kẻ thiếu niên cứ tất bật rốt cục là vì cái gì? Con đường ghê sợ còn dài, cứ canh cánh lòng người lữ khách). Ông tự biết con đường “công danh nhất lộ” “vất vả” như thế nào nhưng vẫn quyết chí xông pha: “Công danh nhất lộ kỷ hà nhàn? Quan cái phân phân ngã hành hỹ” (Đường công danh có mấy ai nhàn/ Mũ lọng nhộn nhịp, ta cũng đi đây). Ngay cả khi vì đường “danh” mà rơi vào cảnh ngục tù ông vẫn rất hiên ngang bước tới “Đạp hướng danh dồ bất điệu đầu/ Ngã vô hành dã, diệc vô lưu” (Bước lên con đường “danh” đầu vẫn ngay thẳng/ Ta không có nơi nào để đi, cũng chẳng nơi nào để lưu lại). Thậm chí trên đường đi “dương trình hiệu lực” ông vẫn đau đáu câu hỏi về con đường trước mặt “ Quyện mã thượng trường đồ” (Ngựa đã mỏi, đường dài, còn tính sao?). Để rồi khi được quay trở về Viện Hàn Lâm, ông cảm thấy thấm mệt trước con đường dằng dặc: “trần lộ du du song quyện nhãn” (Đường trần dằng dặc, đôi con mắt đã mỏi). Và rốt cục ông nhận ra rằng: “Tráng đồ bán tiêu tữ/ Thế lộ canh yên vân” (Đường đời như khói mây thay đổi/ Việc người như nóng lạnh thất thường).
Luôn đau đáu về con đường trước mặt, nên Cao Bá Quát vô hình chung đã lựa chọn cho mình là một “hành nhân” trên con đường đó. Thơ ông luôn có bóng dáng của một lữ khách tha hương. Trong bài Mộ đắc xá huynh quán dạ giam thư kiến ký, ông tự nhận mình cả đời này, thân ông chỉ là một “khách trên đường” “Bách niên thân thị khách” (Trăm năm thân chỉ là khách). Tần suất Cao Bá Quát tự xưng mình là “khách” xuất hiện rất cao với “quá khách” (khách trọ), “khách thoại” (lời khách), “khách phân ly” (khách xa quê), “khách đăng trình” (khách trên đường), “cửu khách” (khách lâu ngày), “khách sầu” (nỗi sầu của khách), “lộ khách” (khách trên đường), “khách tâm” (tấm lòng khách), “dị khách” (khách xa lạ), “trục khách” (kẻ bị trục). Nếu không là “khách” thì là “lữ” với : "lữ mộng" (giấc mộng người lữ khách), "lữ muộn" (nỗi buồn lữ khách), “lữ hồn phiêu bạc” (lãng đãng hồn lữ khách),.... Khi thì ông là khách trong khói sóng vạn dặm (Vạn lý yên ba do tác khách). Khi thì là khách giữa đường trong giá rét (hàn trung lộ khách). Phải chăng “làm khách thành quen”, nên nhiều lần ông nhắc đi nhắc lại bản thân mình quên mất mình là khách : “Tọa cửu bất tri thân thị khách” (Ngồi lâu không nhận ra thân mình là khách), “Tùy ngộ bất tri thân thị khách” (Tùy duyên quên mất mình đang là khách), “Khách cư hành dĩ biền” (Người ở mãi nơi đất khách gần như đã quen)…Là khách phương xa, nên nỗi đau mất người thân càng trở nên dai dẳng và ám ảnh. Trong bài Đắc gia thư thị nhật tác, khi nhận được tin chị gái mất lúc đang ở nơi xa, ông đã thốt lên: “Ô hô cốt nhục tình/ Viễn khách huống di trắc” (Than ôi! Tình cốt nhục/ Là khách phương xa, lại càng đau thương hơn). Đôi khi ông tự giễu cợt tình trạng lang thang cô độc của mình: “Dục tá đại quan tiêu lữ muộn/Khước tu tuyền thạch hướng nhân trào” (Muốn mượn cả vũ trụ để làm khuây mối sầu lữ thứ /Nhưng lại sợ dòng suối mỏm đá chế giễu cho)
Là vị khách tha hương đương nhiên cánh cánh bên lòng bao giờ cũng sẽ là “cố hương tình”. Vì lẽ đó thơ chữ Hán của Cao Bá Quát cũng luôn xuất hiện những cụm từ như: “cố hương mộng” (hay “hương mộng”), “mộng nhiễu gia hương”, “mạc mạc gia hương”, “hương sầu”,…
Đọc thơ Cao Bá Quát luôn cảm thấy ông đang trong trạng thái “di chuyển”. Khi thì ông ví mình là “phận ủy phi cô bồng” (một ngọn cỏ bồng lẻ loi phiêu dạt). Khi thì ông ví thân mình như một “ngạnh phiếm” (cành cây trôi giạt). Khi thì ông ngộ ra rằng:
Dư sinh nhất dã mã,
Phiêu chuyển tùy thiên phong
(Chính nguyệt nhị thập nhất nhật
di tống Thừa Thiên ngục tỏa cấm)
(Đời ta như một luồng hơi,
Di chuyển tùy theo gió trời,)
Có khi ông lại tự nhận mình giống như một con thuyền nhẹ lênh đênh đi mãi không về.
Phiếm phiếm khinh chu khứ vị hoàn,
Cô vân trú xứ thị cô san.
Cao lang chỉ tự mai hoa sấu,
Xuân tứ hồn như bệnh hạc nhàn.
(Du Tây hồ bát tuyệt, IV)
(Lênh đênh một chiếc thuyền nhẹ, đi mãi chưa về,
Nơi có đám mây chơ vơ kia là ngọn núi chơ vơ
Chàng Cao [chơi đấy] khác nào như cây hoa mai gầy gò
Tứ xuân lặng lẽ như chim hạc đang ốm
Một đời phiêu bạt, như con ngựa “thiên lý chạy nghìn dặm” (Bệnh trung), rồi cũng có lúc ông mệt mỏi tự hỏi: “du nhân quy bất quy” (kẻ lãng du có quay trở về hay không?).
Con người lúc nào cũng trong tâm thế “dịch chuyển” đó như Cao Bá Quát không thể có bạn đường. Hoặc nếu có bạn đường thì cũng chỉ là bạn đường trong chốc lát. Vì thế trong thơ ông, trải dài trên con đường lữ thứ tha hương của Cao Bá Quát là sự cô độc đến kinh người. Trong mắt ông, mọi sự vật đều có sự liên hệ đến sự lẻ loi, cô đơn với những con số như “nhất khinh âu” (một cánh chim âu nhẹ), "cô phàm" (cánh buồm côi), "cô mộng" (giấc mộng côi), "cô khách" (khách lẻ), "cô chường" (nỗi buồn đơn côi), "cô ảnh" (bóng lẻ), "cô bồng" (cỏ bồng đơn côi), "cô vân viễn" (mây xa lẻ loi), "cô thần" (bề tôi cô độc), "cô san" (ngọn núi cô độc), "cô đăng" (ngọn đèn lẻ loi), "cô nguyệt" (trăng lẻ), "cô quán" (quán lẻ), "cô hạc" (cánh hạc cô đơn), "cô phong" (gió cô đơn), "cô miên" (giấc mộng cô đơn), "cô các" (gác lẻ), "cô hoa" (hoa cô đơn),...
Ngay chính trong đời thực, Cao Bá Quát cũng đã là một “hành nhân cô độc”. Đối với dòng họ, ông bị xem là một kẻ “càn rỡ ngông cuồng”, “thân không kiểm thúc rồi đến thất chí, bại danh”([1]). Với bạn bè cũng vậy, khó có ai thấu hiểu được tâm sự của ông. Cao Bá Quát là một người rất quảng giao, bạn bè ông là những danh sĩ nổi tiếng khắp cả trong Nam ngoài Bắc như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Trần Văn Vi, Diệp Di Xuân,… Trong mắt họ, ông là một người bạn rất đáng ngưỡng mộ, rất đáng “yêu” đồng thời cũng rất đáng “sợ”. Cá tính lúc nào cũng muốn “vọt” ra khỏi tầm kiểm soát, những hành động bất chấp luật lệ của ông nhiều khi đã làm luỵ đến bạn bè([2]). Ngay với Phương Đình Văn Siêu, người thân thiết vô cùng với ông vậy mà cũng không thể chia sẻ với ông những nỗi niềm tâm sự trong lòng. Trong một bài thơ gửi bạn (Giản Nguyễn Phương Đình),Cao Bá Quát có những câu thơ hờn trách vừa giận dữ vừa rất chua xót :
Nhân bất mạ dư dư tự mạ,
Tiện yêu mạ nhân dư bất hạ.
Bình sinh toán chỉ kiến nhân đa,
Tam vị chi ngôn thắng đạm giá.
(Người không mắng ta, nhưng ta tự mắng ta,
Muốn ta mắng người ư, ta chẳng rỗi.
Trước nay tính dừng lại gặp nhiều người,
Lời nói khi có ba chén rượu mùi còn hơn cây mía nhạt nhẽo)
Chính sự cô độc ngay ở giữa bạn bè thân thiết là lý do khiến ông ngậm ngùi thốt lên:
Tứ hải tri giao vô ngã chuyết,
Bách niên tâm sự cộng thuỳ khai
(Bạn bè bốn biển chẳng ai vụng về như ta
Vì thế nên tâm sự trăm năm biết bày tỏ cùng ai ?)
(Bạc xuân giản Nguyễn Chính Tự)
Trong một xã hội mà mọi ứng xử của kẻ sĩ đều tuân thủ theo mực thước khuôn phép Nho gia, Cao Bá Quát không giả vờ khiêm tốn nhún nhường, cũng không chịu cam khuất mình trước quyền lực và lại càng không chịu chấp nhận lui vào trong bóng tối để được an thân như những kẻ sĩ cùng thời, trong đó có nhiều bạn bè thân thiết của ông. Tại sao ông không giống như những người bạn trí thức Bắc Hà khác (như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Vũ Tông Phan) chấp nhận sự đào thải, rời khỏi triều đình quay về mở trường dạy học ở đất Thăng Long? Tại sao một người xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học lâu đời như Cao Bá Quát cuối cùng lại chọn con đường nổi loạn chống lại triều đình?
Cao Bá Quát không chỉ là con người trong tư thế luôn "dịch chuyển" theo nghĩa chuyển động thông thường. Ông còn là một con người luôn trong tư thế "dịch chuyển" về tư duy và nhận thức. Nếu nhìn vào tiến trình sáng tác thơ văn của ông theo chiều thời gian, chúng ta sẽ thấy không phải Cao Bá Quát ngay từ đầu đã có ý thức về việc “lựa chọn con đường làm người khác biệt”. Xuất phát điểm Cao Bá Quát vẫn khao khát được phụng sự triều đình giống như nhiều nho sĩ đương thời. Trong bài Đắc thư gia thị nhật tác, Cao Bá Quát tự nhận :
Dư sinh phù danh ngộ,
Thập niên trệ văn mặc.
Gian nan nhất đệ hậu,…
(Đời ta trót vì cái danh hờ
Hàng mười năm chìm đắm trong bút mực
Sau bao khó khăn thi mới đỗ được,…)
Con người Cao Bá Quát xét ra rất mâu thuẫn. Con người tự phụ một mình chiếm ba bồ chữ trong thiên hạ như Cao Bá Quát lại luôn tự nhận rằng vì lỗi của bản thân nên mới thi trượt: “Sơ chuyết tự chiêu thắc/ Bổ quá niệm di thâm” (Chỉ vì mình vụng về tự rước lấy lỗi/ Chìm đắm suy tư để sửa lỗi lầm). Cao Bá Quát rất nhiều lần nhắc đến chuyện “sửa sai” này trong thơ của mình giai đoạn trước khi ra làm quan. Trong bài Đình thí hậu trình chư hữu ông viết: “Bế các hữu hoài thâm bổ quá” (Đóng cửa có lòng suy nghĩ về những lỗi lầm của mình). Trong một bài khác Đắc thư gia thị nhật tác Cao Bá Quát cũng viết: “Thị hành lý vận lai/ Tuần tỉnh mỹ bất khắc” (Lần này theo vận mà đi/ Đã xét mình sửa chữa hết mọi lỗi lầm). Cao Bá Quát nhẫn nhịn gắng gỏi mười năm “sửa chữa lỗi lầm” hết lần này đến lần khác chỉ để được đặt chân vào chốn quan trường.
Nhưng cửa quan vừa hé ông đã tự mình đi thẳng ngay vào cửa ngục. Ông đã chờ đợi mười năm mới được đặt chân vào chốn quan trường tại sao lại nhanh chóng vứt bỏ tiền đồ để ngoặt sang một hướng khác đầy quanh co khúc khuỷu?
Trước khi ra làm quan Cao Bá Quát vẫn còn hào hứng với “danh”, một cái “danh” gắn liền với tài văn chương chữ nghĩa. Nhưng trải theo thời gian, cùng với những biến cố thăng trầm của đời mình, Cao Bá Quát càng thấm thía cái danh đó là hão huyền và không có thực. Chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến trong nhận thức và tư duy của ông về “danh” theo những mốc thời gian trong bảng thống kê sau.
Thời gian
Quan niệm về danh của Cao Bá Quát
Trước khi ra làm quan
- Nhập thế hữu văn chương- Đào danh hà sở mộ (Vào đời phải có văn chương- Trốn danh thì hâm mộ cái gì?)
- Cổ lai danh lợi nhân- Bôn tẩu lộ đồ trung (Những kẻ danh lợi xưa nay- Vất vả ngược xuôi trên đường đời)
- Trượng phu tam thập bất thành danh (Kẻ trượng phu ba mươi tuổi mà vẫn chưa thành danh)(Du Đằng giang dữ hữu nhân đăng Kim Chung tự, túy hậu lưu đề, tính tự)
- Vị luyến minh triều học tố quan/ Nhất danh lạo đảo vị ưng nhàn (Vì mến Hoàng triều thánh minh, nên lo học để theo đường hoạn lộ- Lâu nay một chữ danh trầy trật không xong nên chưa thể thanh nhàn (Đình thí chư hậu trình chư hữu)
- Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn/ Quản bao người mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ. (Tài tử đa cùng phú)
Khi bị giam vì tội chữa bài thi
- Dư sinh cơ bạn chỉ vi danh (Đời ta gặp nạn cũng chỉ vì danh)
- Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu- Ngã vô hành dã, diệc vô lưu. (Ngẩng cao đầu bước trên đường danh – Ta không làm việc gì và cũng không có gì phải lưu luyến)
Khi được tha về làm ở Viện Hàn lâm
- Cố nhân nỗ lực sự công danh/Tản nhân qui khứ ngọa giang thành (Cố nhân đều nỗ lực vì danh – Còn kẻ tản nhân quay về nằm khểnh ở thành ven sông) (Đông Tác tuần phủ tịch thượng ẩm)
- Ô hô nhất danh cơ bạn trường như thử/Bạch phát, thanh bào, ngô lão hỹ! (Ôi, một chữ danh dài như thế- Tóc bạc, áo xanh ta đã già rồi) (Đề sát Viện Bùi Công Yên Đài anh ngữ khúc hậu)
- Dĩ yếm phong trầm do đạm bạc- Khẳng tương danh lợi dịch ngu sơ (Đã chán phong trần mùi đạm bạc- Dám đem danh lợi sánh với vụng về)(Nhàn vịnh)
Chưa rõ thời gian
- Kỷ đa danh lợi chung triêu vũ- Vô số anh hùng nhất tụ trần (Phần lớn danh lợi cuối cùng như mưa buổi sớm –Anh hùng đâu ở mãi trên trần thế) ((Xuân dạ độc thư)
- Nhập thế công danh hồn trụy tắng/ Truyền gia thư sử mạn đồ long (Con đường công danh giống như là rơi chõ – Sách vở truyền gia không bằng có dao giết rồng) (Bệnh trung, hữu hữu nhân chiêu ẩm tịch thượng tác)
Quá trình nhận thức của mỗi người là một hành trình khác nhau, với kẻ sĩ trung đại cũng thế, có người đi đến cuối con đường nhận thức để rồi chấp nhận hiện thực, nhưng có người đến cuối chặng đường nhận thức để rồi phản kháng. Cao Bá Quát là một người như vậy. Từ một người tha thiết với danh, cuối cùng Cao Bá Quát đã hoàn toàn thất vọng và vỡ mộng.
Phải chăng trước tiên đó là sự vỡ mộng, một sự vỡ mộng ngay từ rất sớm? Ngay từ khi vướng vào tù ngục ông đã nhận thấy:
Vãng lại vô định căn,
Chỉ tại đại khối trung
(Chính nguyệt nhị thập nhất nhật
di tống Thừa Thiên ngục tỏa cấm)
(Đi lại không nhất định nơi nào,
Chỉ trong vòng trời đất)
Ông chỉ là một hạt bụi cô độc, dù tự do nhưng cũng vẫn chỉ là sự tự do trong khoảng giới hạn của trời đất.
Đã có rất nhiều học giả lý giải nguyên nhân dẫn đến sự nổi loạn của Cao Bá Quát từ những tác động ngoại cảnh như : sự đối xử bất công phân biệt kẻ sĩ Nam Bắc trong triều đình nhà Nguyễn, sự chán chường bế tắc trước tiền đồ và sự vượt trước trong nhận thức của Cao Bá Quát đối với sự đổ vỡ của những giá trị mang tính ý thức hệ đã khiến ông trở thành một trí thức “ly tâm”. Nhưng theo chúng tôi, một lý do không kém phần quan trọng khác đó là bản thân trong con người Cao Bá Quát dường như tiềm ẩn một sự thôi thúc dấn thân vô thức, nó chính là xung lực ngầm khiến Cao Bá Quát ở những thời điểm nhất định có những hành động “vượt ngưỡng” mà không cần lý do định trước. Chính sự thôi thúc dấn thân này của Cao Bá Quát đã đẩy ông ra khỏi sự cố kết của đám đông, đẩy ông đứng tách hẳn khỏi bè bạn, đẩy ông bước đi một mình trên con đường “độc hành” không thể chia sẻ cùng ai.
QUÁCH HIỀN
(Trích bài giới thiệu từ cuốn Cao Bá Quát-tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo Dục, 2009)



[1] Trích Trần tình biểu của Cao Bá Nhạ.
[2] Theo Đại Nam thực lục, trong sự việc Cao Bá Quát sửa bài thi, Nguyễn Văn Siêu cũng bị liên đới (cho Quát ngủ nhờ một đêm) nên bị phạt đánh trượng. Trong Đại Nam liệt truyện (nhị tập), không nói rõ nguyên nhân, chỉ chép rằng “Vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1941), ông [Nguyễn Văn Siêu] giữ chứcViên ngoại lang Bộ Lễ, do bị tội nên bị miễn chức”, có lẽ là nói về chuyện trên. (Tham khảo : Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, Truyện Nguyễn Văn Siêu, quyển 33 (NXB Thuận Hoá, 1997, tr. 189 - 190).

Monday, August 10, 2009

"Đồng tính luyến ái trong văn học cổ đại Trung Quốc"

Tên đầy đủ và chính xác của công trình nghiên cứu này là Nghiên cứu viết về đồng tính luyến ái trong văn học cổ đại Trung Quốc, một trong những cuốn sách được xếp vào bộ "Nhân dân xã khoa tân trước tùng thư". Tác giả Thi Diệp, sách dày 650 trang, xuất bản lần đầu vào tháng 11 năm 2008 với số lượng là 3,500 bản. Trong số đó chắc chắn 2 cuốn đang"lưu lạc" ở Việt Nam.
Ngay từ lời nói đầu, tác giả (một phụ nữ) với rất nhiều tự tin đã đưa ra dẫn chứng cho xuất phát điểm của mình bằng tên tuổi của những người nổi tiếng trên thế giới mà theo bà dù họ sống ở những quốc gia khác nhau, thuộc những tôn giáo khác nhau, sống vào các thời đại khác nhau, nhưng họ có một điểm chung: họ là những người đồng tính. Trong số những tên tuổi được kể ra có: Socrat, Platon, Sappho, Caesar, Walt Whitman, Oscar Wilde, George Gordon Byron, Michelangelo, Schubert (giờ đã hiểu vì sao Oshima, anh bạn đồng tính trong Kafka bên bờ biển lại am hiểu nhạc của Schubert đến vậy), Tchaikovsky, Mishima Yukio (nhà văn, kịch tác gia nổi tiếng người Nhật Bản), Bạch Tiên Dũng (nhà văn Đài Loan), Trương Quốc Vinh, Quan Cẩm Bằng, Elton John….Dựa trên những công trình nghiên cứu về đồng tính luyến ái đã có, Thi Diệp một lần nữa khẳng định: rất sớm, từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 tr.CN, ở Hy Lạp cổ đại-ngọn nguồn của văn minh phương Tây- rất thịnh hành đồng tính luyến ái. Để chắc chắn hơn, tác giả còn trích dẫn một câu của Katchadouria trong cuốn Cơ sở của hành vi tính dục con người: "Trong số những người đồng tính luyến ái, có người nghèo cũng có người giầu, có người được giáo dục đến nơi đến chốn cũng có những người vô tri vô thức, có người có quyền lực cũng có người chẳng có chút quyền lực nào, có người thông minh và cũng có người ngu ngốc. Đồng tính luyến ái tồn tại ở mọi dân tộc, mọi giai tầng, mọi chủng tộc và mọi tín ngưỡng tôn giáo….". Và tất nhiên, không thể thiếu là câu trích dẫn quen thuộc trong thiên "Hội ẩm" của Platon (câu này cũng thường được anh bạn thủ thư Oshima viện dẫn): "Nhân loại thời viễn cổ vốn có ba loại tính biệt là "song trùng nam tính" (Doppelmann), "song trùng nữ tính" (Dopplweib), và "nam nữ kiêm tính" (Mannweib)".
Những nghiên cứu về "văn học đồng tính luyến ái" hiện nay không còn xa lạ trên thế giới nhưng ở Trung Quốc (đương nhiên là ở Việt Nam cũng vậy luôn), nhắc đến "đồng tính luyến ái" nhiều nhà nghiên cứu hoặc cho đó là một lĩnh vực "nhạy cảm", hoặc cho đó là dung tục và tầm thường mà bỏ qua, vì thế cuốn sách của Thi Diệp chính là công trình mang tính "khai sơn phá thạch", mở rộng vô hạn độ phạm vi nghiên cứu văn học cổ với nghĩa trong khoa học không có đề tài nào là "cấm kỵ" Thi Diệp đã chỉ ra: hiện tượng đồng tính luyến ái xuất hiện (công khai hoặc uyển ước) trong văn hiến và văn học Trung Quốc xuyên suốt từ thời Tiên Tần cho đến thời hiện tại. Hiện tượng này được ghi chép ngay từ trong những văn hiến được xem là cổ nhất của Trung Quốc như thiên Y huấn trong sách Thương Thư. Dật sử về vua chư hầu sủng ái mỹ nam xuất hiện đặc biệt nhiều trong Chiến quốc sách Tả truyện dưới câu chuyện về những "bế nhân" (嬖人). Sau đó là những câu chuyện về "nam phong" (男風 hay cũng còn được ghi là 南風) thời Hán, "nam sủng"(男寵), "ưu đồng" (優童) thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, "bế thần" ( ) "nam sắc" (男色) trong sử của thời Tùy, Đường, Ngũ Đại, Tống, Kim, Nguyên… .
Ở 5 chương đầu, Thi Diệp đã phác lại cho người đọc một lịch trình văn học đồng tính luyến ái Trung Quốc từ thời viễn cổ đến cho đến tận thế kỷ XIX, đặc biệt giành đến 3 chương để nói về văn học đồng tính luyến ái thời Minh- Thanh và xem đây là trọng tâm của cả cuốn sách. Nếu như trong Kinh Thi Sở Từ, những tình cảm đồng giới được gửi gắm uyển ước, kín đáo xa gần thì đến giai đoạn Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, những bài ca vịnh đồng tính luyến ái và "đồng luyến" đã trở thành trào lưu của thi nhân thời đó. Nguyên nhân của trào lưu này được giải thích là do sự hưng khởi của "huyền học". Sĩ phu thời này sùng thượng lý tưởng thẩm mỹ "tự nhiên" và "phác thực" nên họ theo đuổi đời sống phóng thích, không câu nệ, đề cao chủ nghĩa duy mỹ, tôn thờ cái đẹp ở con người, của nam lẫn nữ. Những năm thái bình thịnh thế của thời Đường đã hình thành cho sĩ nhân đời này phong khí ung dung, khoáng đạt, hào phóng vào bậc nhất trong lịch sử sĩ phong Trung Quốc. Mặc dù đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của thơ, cổ văn, truyền kỳ, là giai đoạn mà kẻ sĩ phát huy cao nhất những cá tính riêng cao ngạo và phóng túng nhưng lại thiếu vắng rất nhiều những tác phẩm văn học ghi chép lại đời sống tình cảm đồng tính luyến ái của chính thời đại này. Tác giả đã đưa ra một suy đoán duy nhất: phải chăng những đề tài mang khát vọng phấn phát lập thân, hoặc hoài bão kiến tạo sự nghiệp của kẻ sĩ đời Đường đã làm lu mờ đi những sáng tác về ái tình ủy mị mềm yếu? Nhưng cũng theo tác giả thì tuy thiếu những tác phẩm phản ánh đời sống tình cảm đồng giới của đời Đường, nhưng lại không thiếu những bộ sách ghi chép lịch đại sủng hạnh, những câu chuyện kinh điển về đồng tính luyến ái trong lịch sử trước đó như một cách mượn chuyện thời trước mà phát huy xa gần, tập trung nhiều nhất là trong Nghệ văn loại tụ. Ảnh hưởng tiếp theo của nó chính là Thái bình quảng ký của đời Tống, cũng được tác giả xếp vào một trong những tập chép nhiều dật văn về đồng tính luyến ái.
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự bùng phát của rất nhiểu tiểu thuyết sắc tình (bao hàm cả tiểu thuyết về đồng tính luyến ái) ở đời Minh, theo Thi Diệp chính là vì sự đột biến của tư tưởng thời đại. Sự ra đời của phái "Vương học" (học thuyết "tâm học" của Vương Dương Minh) với quan điểm về "trí lương tri", cho rằng "lương tri lương năng, ngu phu ngu phụ dữ thánh nhân đồng" khiến cho sĩ nhân đời Minh "bỗng chốc như tỉnh ngộ, vọt trên mây mù nhìn thấy mặt trời". Quan điểm này được đánh giá là một cuộc giải phóng tư tưởng về sự bình đẳng của nhân tính trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Kế thừa Vương Dương Minh, Lý Chí ngoài chủ trương người người bình đẳng, ông còn tiến thêm một bước nữa khi khẳng định "nhân dục", cho rằng: "có nhân dục mới có thiên lý", vì thế ham muốn hưởng thụ vật chất, mưu lợi cho bản thân chính là thiên tính của con người. Chính những tư tưởng này đã khiến cho sĩ phong của thời Minh có nhiều biến chuyển dữ dội mà trong đó thể hiện rõ nhất ở ba phương diện: 1- Sĩ nhân đời Minh chuộng lợi, thoát ly khỏi hình ảnh "hàn sĩ" cao ngạo trong sạch và quan điểm "lạc bần" của Nho gia. 2- Sĩ nhân đời Minh phóng túng, trọng dục. Ngoài sự theo đuổi dục vọng về quyền lực và lợi ích, không che dấu những truy cầu về tình dục cũng được xem là một nét đặc sắc của sĩ phong thời này. Những chuyện như tài sĩ danh nhân thích chinh phục ca kỹ, thụ hưởng sắc đẹp, thường xuyên qua lại chốn lầu xanh, bỏ nghìn vàng mua lại tiếng cười là những câu chuyện được miêu tả như những chiến tích đáng tự hào….3- Cuồng quyến: kẻ sĩ giai đoạn này không còn lấy tu thân, nội tỉnh, sự tiết chế hành vi theo Lễ như mục tiêu phấn đấu. Đây là giai đoạn mà kẻ sĩ từ chối học làm thánh nhân, để con người cá nhân được bột phát tự do, đẩy cá tính đi đến tận cùng với khát vọng "trác nhiên bất quần"….Đây cũng là giai đoạn hưng thịnh của tiểu thuyết viết về "nam sắc" với Long Dương dật sử, Nghi Xuân hương chất, Biện nhi thoa… Tác giả viết về đồng tính luyến ái nổi bật nhất ở thời Minh chính là Phùng Mộng Long.
Đồng tính luyến ái viết một cách công khai, trực tiếp và trở thành phong khí trong văn học chính là vào đời nhà Thanh với những trọng tâm là:
1. - Đồng tính luyến ái trong thế giới hồ ly tinh (tiêu biểu nhất là Liêu Trai chí dị, Duyệt vi thảo đường bút k ý)
2. - Viên Mai - lịch sử đồng tính luyến ái. Tác giả Thi Diệp đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy con người cá nhân cuồng phóng của Viên Mai, phân tích những sáng tác mang cảm hứng "nam phong" của ông và mối tính đồng giới của Viên Mai với học trò Lưu Hà Thường…
3. Phân tích những sáng tác về đồng tính luyến ái trong tiểu thuyết của Lý Ngư (tác giả của Nhục bồ đoàn). Những tác phẩm của Lý Ngư được xếp vào loại "đồng tính luyến ái tục văn học" bao gồm cả những mối tình đồng tính nam và đồng tính nữ. Ba tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài này chính là : Liên Hương bạn, Nam Mạnh mẫu giáo hợp tam thiênThúy Nhã lầu….)
Tham khảo thêm: