Friday, May 22, 2009

Chuyện về nàng Kiều

Xét cho cùng nàng Vương Thúy Kiều quả là một người con gái lợi hại. Đã hơn 200 năm trôi qua (những người phụ nữ khác thì đã nằm yên dưới mồ mà lặng lẽ hóa thành cát bụi cả rồi) nhưng riêng nàng công lực phi phàm vẫn giữ được nguyên vẹn sức hấp dẫn và quyến rũ đến nỗi nhiều "đại gia" đã vì câu chuyện đời nàng mà lời qua tiếng lại, tạo nên một cục diện đại "xích mích" trong giới Kiều học.
Nhân đọc cuốn Tư liệu Truyện Kiều- Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh của GS Nguyễn Tài Cẩn mới lẩn mẩn bới lại tủ sách thử đếm xem đến giờ phút này mình đã có trong tay mấy bản tư liệu truyện Kiều. Kể cả bản sơ thảo kể trên thì tổng cộng trong tủ sách cả thảy có 5 bản (mà đấy là vẫn không mua được đầy đủ các bản): Bản Liễu Văn Đường 1871 (Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị), bản Duy Minh Thị 1872 (Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn khảo sát, phiên nôm và đánh giá), bản Thành Thái Nhâm Dần 1902 (Thế Anh phiên âm và khảo dị) và bản cuối cùng, mua từ hồi học cấp ba, long hết gáy, có nhiều ảnh (theo cảm nhận cá nhân) đẹp mỹ mãn thì là bản Kiều thông dụng vẫn hay được dạy trong nhà trường hồi đó. Nhân nhắc lại mới nhớ, trong cuốn Kiều đó có một bức vẽ nàng Kiều đang tắm dưới đề: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, chả hiểu sao, sau một vài lần cho mượn đi mượn lại bức đó giờ bốc hơi mất tiêu, tìm chả thấy….
Ngoài các bản tư liệu thì những công trình nghiên cứu về Kiều có thể kể ra : Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử, Nghiên cứu truyện Vương Thúy Kiều của Trần Ích Nguyên (bác này là GS của Trường Thành Công bên Đài Loan)….Nói tóm lại, một người chả dính dáng gì đến Kiều học như mình mà cũng đã phải dành một hàng giá sách khá dài cho nàng Kiều nằm khoe dáng, thì đủ thấy câu chuyện đời nàng quả là tốn giấy hao mực của người đời lắm lắm!
Tương lai nàng Kiều vẫn sẽ là "sao của các vì sao". Bằng chứng cụ thể và rõ ràng là khi cụ Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu cho ra cuốn Hai trăm năm nghiên cứu-bàn luận Truyện Kiều (dày khoảng 2000 trang) bà con đọc chưa xong, thì cụ bồi tiếp thêm Những nghiên cứu về Truyện Kiều đầu thế kỷ 21 cũng dày ngang ngửa cuốn trước. 200 năm là 2000 trang. 10 năm đầu thế kỷ cũng khoảng gần 2000 trang. Thế đến khi 300 năm thì có lẽ sẽ có một bộ Nghiên cứu Truyện Kiều dày gấp đôi bộ văn bia của Viện Viện Đông Bác cổ bây giờ (bộ này hiện đã ra 16 cuốn cả thảy, dày và to tổ chảng, với giá tiền là 9,6 triệu/16cuốn….).
Những chuyện khác không cần bàn đến vì nó quá ư là …điển hình (thí dụ như tính chiến đấu, chống phong kiến, yêu nước, bênh vực phụ nữ trong Truyện Kiều). Em xin liệt kê ra đây những phần bàn luận rôm rả nhất, dễ khiến các đại gia "động chân động tay" (mà lia bút tranh luận với nhau) về Truyện Kiều của Nguyễn Du:
1. Những tranh cãi về bản kinh, bản phường (có hay không có việc vua Tự Đức sửa Truyện Kiều của Nguyễn Du).
2. Đâu là bản Kiều gần với nguyên tác nhất (bản sơ thảo)
3. Cách đọc các chữ Nôm (gây tranh cãi) trong truyện Kiều
4. Tranh cãi về vấn đề: thực ra nàng Kiều là hàng "xịn" made in Việt Nam, hay là hàng nhái, hay là hàng nhái nhưng là nhái "xịn". Phe Trung Quốc (trong các bộ Từ điển văn học của Trung Quốc họ vẫn cho rằng Nguyễn Du đã "nhái" Thanh Tâm Tài Nhân) thì nhất quyết khăng khăng rằng cụ Nguyễn Du đã "vi phạm trắng trợn" tác quyền, vì xét cho cùng dẫu tên tuổi nàng chìm lỉm dưới ngòi bút của Thanh Tâm Tài Nhân thì nàng vẫn là người của họ. Nhưng những "đại gia" của Việt Nam thì cũng kiên quyết lên án phía Trung Quốc đã "xâm hại nghiêm trọng" đến danh tiếng và tài năng văn chương của cụ Nguyễn Du, bởi vì chỉ dưới ngòi bút của cụ, nàng Kiều mới đạt đến độ "siêu sao" Hô-li-út….vân vân và vân vân….
Xét cho cùng lần nữa, vì không còn bản gốc nên câu chuyện về văn bản Truyện Kiều sẽ còn là một đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm nữa, cho đến khi các nhà nghiên cứu đồng thuận được với nhau về một bản Kiều gần với nguyên tác nhất. Cái đó thỏa mãn tính chính xác và nghiêm túc trong khoa học. Nhưng với dân gian, trong những lời ru Kiều, có lẽ thật khó để mà thay đổi những gì đã được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, dẫu rằng mỗi một lần truyền miệng là một lần có thêm nhiều dị tự. Có hề gì đâu, sức sống của một tác phẩm là phụ thuộc vào người tiếp nhận….
Vì thế, sẽ thật khó để người ta bắt đầu chấp nhận, thay vì "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" lại là "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ SẮC khéo là CỢT nhau", thay vì "Làn thu thủy nét xuân son" lại là "HƯƠNG thu thủy VẾT xuân son". Thay vì "Thanh minh trong tiết tháng ba" lại là "Thanh minh GIỮA tiết NGÀY ba", hay thay vì "Chàng Vương quen mặt ra chào/ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" lại phải đồi thành là" "Hai Kiều e MẶT nép vào dưới hoa"….
Người viết những lời nhảm nhí trên đây, trong toàn bộ quá trình theo dõi câu chuyện văn bản Truyện Kiều hứng thú nhất với một chi tiết: đó là sự xuất hiện của những nhà in ván khắc trên phố Hàng Gai. Tự dưng nghĩ rằng nếu có một bộ phim nào đó dựng về nghề in ván khắc gỗ ở Thăng Long thế kỷ XIX thì hay biết mấy. Câu chuyện về một gia tộc chuyên nghề in ván khắc, từ khởi đầu gian nan cho đến phát triển hưng thịnh, đến cạnh tranh với những gia tộc khác cùng nghề ở đất Kẻ Chợ cũng thú vị chả kém gì những câu chuyện về gia tộc chuyên nghề y bên Trung Quốc. Hoặc ít ra trong một bộ phim nào đó có dựng cảnh các thương nhân gánh những thúng sách trong đó có cả sách "cấm" (dâm thư) đến bán cho những công tử con quan ở cửa sau các dinh thự….Chính những cuốn sách "cấm" ấy mới làm nên rất nhiều chuyện…. Mà một trong những chuyện đó là: có cái để cho các nhà nghiên cứu văn học đời sau tha hồ có việc mà làm….

Saturday, May 9, 2009

Giống như gió

Giống như gió. Gió thổi suốt ngày suốt đêm trên mặt đất, mọi thứ rồi sẽ cuốn  đi theo gió. Cuộc sống rồi sẽ trở lại với nhịp  điệu bình thường. Cả nhịp của trái tim cũng vậy.
Đã đến lúc bắt đầu cái gì đó rất mới, thực sự mới. Có lẽ vậy....
Ầy dà, nói thêm một câu, vì cái blog này xét cho cùng là viết cho rất ít người đọc, nên có quyền nói một vài câu riêng tư cho những người rất riêng tư: Có biết rằng, mỗi một lần bạn phun ra một câu thành thật, là một lần bạn đang tự làm suy yếu chính mình không hả. Mỗi một lần thành thực, cái giá phải trả là không hề đơn giản....