Friday, May 19, 2017

Đường về còn xa (1): Cô Phạm Tú Châu

Đầu tiên, tôi định viết chút gì đó về cô Phạm Tú Châu, một người "khiêm nhường và lặng lẽ" (chữ của một chị đồng nghiệp viết về cô dưới thông tin báo cô đã mất) nhưng kỳ lạ là tôi bật máy lên và không biết phải viết gì. Tôi không phải là học trò, cũng không phải là người thân thiết lâu năm với cô, nhưng vấn đề là sau đám tang của cô tôi mất ngủ ba tuần liền. Chưa kể, đêm đầu tiên sau đám tang tôi nằm mơ thấy cô, giống y hệt như khi sống, tươi cười bước vào phòng, hỏi tôi bằng cái giọng nhỏ nhẹ "Thế nào, dạo này cháu đang làm gì?". Mọi chi tiết sống động như không phải là mơ. Sau hôm đó vài ngày thì tôi mất ngủ. Không căng thẳng, không lo lắng, không áp lực, đơn giản là tôi không ngủ được. Thế thôi. Nằm trên giường, mắt ráo hoảnh. Sau đó là chờ trời sáng. Rồi cũng đột ngột như khi mất ngủ, sau ba tuần, cơn mất ngủ chấm dứt. 

Khi tôi gặp cô Phạm Tú Châu, cô chuẩn bị về hưu. Tôi chẳng có kỷ niệm gì sâu sắc với cô để kể lể. Trong ấn tượng của tôi, cô Phạm Tú Châu (và cô Trần Băng Thanh) là những phụ nữ nhẹ nhõm, nhân hậu. Họ đều là nhà nghiên cứu, dịch giả giản dị, cần mẫn và cẩn trọng. Các cô không bao giờ to tiếng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những bài viết của các cô cũng giản dị, mộc mạc, không oằn oèo oắn éo, không choang choác những thuật ngữ "doạ" người đọc phát hãi. Tôi luôn nghĩ, những người như họ đã dần dần  tuyệt chủng trong "môi trường" ngày càng showbiz hoá của chúng tôi. (Hoặc giả, cái môi trường ấy nó luôn có sẵn tính showbiz, chỉ là tôi trước kia không nhận thấy).

Sinh thời, cô Phạm Tú Châu thường nói: cô không được học hành nhiều nên cô "ngại"  lý thuyết, cô làm cái gì cụ thể thôi. "Cụ thể" mà cô nói ở đây chính là khảo cứu văn bản. Những ai làm nghiên cứu văn học trung đại, mà thực ra là cả nghiên cứu văn học cận đại, hiện đại đều thế cả, sẽ hiểu rõ tầm quan trọng của khảo cứu văn bản. Vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, các văn bản văn học trung đại Việt Nam đều nằm trong tình trạng hỗn loạn, chân chân giả giả. Xác định được rõ niên đại, tác giả, độ chân nguỵ của văn bản là nền móng vững chắc cho những nhận định trong các nghiên cứu tiếp theo. Nếu những thông tin về văn bản không được xác định thì toàn bộ những kết luận sau đó có thể đổ xuống sông xuống bể. Cô Phạm Tú Châu là một trong những người khảo cứu văn bản đáng tin cậy. Nghiên cứu Truyện Kiều ở Việt Nam cũng không thể thiếu vắng những đóng góp giản dị nhưng to lớn về văn bản của nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu. Khi dịch, nghiên cứu những công trình dịch Truyện Kiều sang thơ chữ Hán và Trung văn, cô Phạm Tú Châu đã  giúp cho những người nghiên cứu Truyện Kiều có một cái nhìn toàn cảnh hơn về  văn bản Truyện Kiều trong bối cảnh giao lưu văn hoá Việt-Trung trung cận và hiện đại. Thông qua công trình  "Dịch và nghiên cứu Kim văn Kiều lục", nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu đã khiến tôi khẳng định thêm quan điểm: trong giao lưu văn hoá, luôn có tác động tương hỗ qua lại. Không có nền văn hoá nào áp chế nền văn hoá nào, không có nền văn hoá nào thôn tính nuốt gọn nền văn hoá nào, tất cả đều tiếp nhận lẫn nhau. Trong quá trình tương tác giao lưu sẽ xảy ra sự hỗn dung, chọn lọc, và bài trừ. Truyện Kiều chính là một trong những sản phẩm của quá trình giao lưu văn hoá như vậy. 

1 comment: